"Hãy cho một người đàn ông một ống ông có thể hút thuốc, tặng một người đàn ông một cuốn sách, ông có thể đọc, và nhà của ông là sáng với một niềm vui bình tĩnh, dù căn phòng được người nghèo thực sự." Alfred Dunhill.
***
Hãng tẩu Dunhill là một câu chuyện dài với vô
số truyền kỳ, huyền thoại còn gây tranh cãi đến tận bây giờ, sau bao năm tìm hiểu tranh luận với nhiều
nhà sưu tập danh tiếng trên thế giới, vẫn tự cho
mình chỉ là một người “cưỡi ngựa xem hoa”.Bởi vậy, bài viết giới thiệu
dưới đây chỉ là món khai vị tôi dành cho các bạn.
***
Ngày nay, đại chúng biết đến
Dunhill như một hãng sản xuất thuốc lá cao cấp và đồ xa xỉ phẩm cho nam giới,
nhưng ít ai biết, về cốt lõi, Dunhill là hãng sản xuất tẩu gỗ thạch nam cao cấp
hơn một trăm năm nay (1907 – hiện tại). Dunhill bắt đầu từ tẩu, nối tiếng với tẩu,
trở thành huyền thoại vẫn với tẩu.
Dunhill có thể không phải là
nhãn hiệu số 1 thế giới trong các lĩnh vực kinh doanh khác, nhưng nó là nhãn hiệu
sản xuất tẩu số 1 thế giới. Nhiều người còn gọi nó là “hãng Rolls Royce của tẩu
gỗ thạch nam.”
Alfred Dunhill (1872 – 1959) mở cửa hàng bán tẩu vào năm 1906 ở Duke Street, London. Ban đầu,
ông đặt hãng Charatan – hãng sản xuất tẩu hạng nhất ở Anh thời đó – làm tẩu
riêng theo tiêu chuẩn khắt khe của ông để bán trong cửa hàng, bởi ông không hài
lòng với chất lượng tẩu bán trên thị trường Anh được nhập từ Pháp. Kết quả là
dù giá tẩu ông bán trong cửa hàng đắt gấp đôi giá tẩu trung bình trên thị trường,
cửa hàng Dunhill nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Chỉ sau mấy năm, Alfred nắm
được các kỹ năng cần thiết để tự làm tẩu (1910). Ông thuê thợ và hãng Dunhill bắt
đầu sản xuất tẩu với những tiêu chí đã trở thành kinh điển: vật liệu tốt nhất,
chế tác bởi những người thợ giỏi nhất, cho chất lượng hút tốt nhất. Alfred
Dunhill nghiêm khắc với sản phẩm của mình tới mức, tính trung bình chỉ khoảng
2% số cục gỗ thạch nam họ mua vượt qua được giai đoạn chế tác và kiểm định chất
lượng, trở thành sản phẩm hoàn thiện để rồi được dập mác Dunhill và bán ra thị
trường.
Nghĩa là cứ 100 cục gỗ thạch
nam, chỉ có trung bình 2 cục trở thành chiếc tẩu Dunhill hoàn thiện. (Số còn lại
bị dập mác các hãng con hạng 2, hạng 3 của Dunhill như Parker, Hard Castle,
Masta bán ra thị trường hoặc trở thành.. củi đốt lò.)
9 Dunhills
Các bạn có lẽ vẫn thắc mắc sự
chọn lọc cao như thế thể hiện trên những chiếc tẩu Dunhill hình dáng đa số là
thẳng đuồn đuột, hoa văn trông không có gì đặc biệt ấy ở điểm nào. Đơn giản
thôi:
1. Tẩu Dunhill phải được chế
tác kỹ thuật chuẩn xác (từ khoan, đục, xử lý lò, ống thông khí, kết nối thân ống
với cán tẩu..), đảm bảo chất lượng hút tối ưu. Đây là những chi tiết kỹ thuật,
các bạn mới hút chưa thể hoặc không cần quan tâm lắm.
2. Tẩu Dunhill trơn (phân hạng
Bruyere, Root Briar, Dress, Chestnus, Amber) không bao giờ có tì vết, nghĩa là
không tồn tại chấm cát hay điểm lỗi phải vá trên bề mặt. Chỉ có tẩu của mấy
hãng Anh như Barling, Charatan cổ và tẩu của một vài nghệ nhân hạng đỉnh cao thế
giới ngày nay mới thỏa mãn cả điều kiện gỗ không tì vết này! Tất cả tẩu của các
hãng phổ thông, bình thường như Peterson, Savinelli, Stanwell ngày nay cũng vẫn
không thỏa mãn được điều kiện chọn lọc khắt khe đó.
3. Tẩu Dunhill thổi cát
(Shell Briar) trước 1955 cũng là những chiếc tẩu trơn gỗ không tì vết, nhưng vì
là gỗ Algeria mềm, hoa văn yếu nên được thổi cát.
4. Từ sau 1955, nếu có một
chiếc tẩu khi chế tác có chấm cát hay lỗi bề mặt nhỏ, không ảnh hưởng đến độ
dày thành tẩu .v.v. mà chất lượng xử lý kỹ thuật bên trong đạt tiêu chuẩn (điều
1 trên), nó sẽ được thổi cát để trở thành tẩu Dunhill thổi cát (phân hạng Shell
Briar, Tanshell, RedBark).
***
Dĩ nhiên sau đó Dunhill
nhanh chóng trở thành hãng sản xuất tẩu cao cấp nhất nhì của Anh và thế giới. Đến
năm 1915, “chấm trắng” làm bằng ngà voi được đính trên cán tẩu (sau thay bằng
nhựa cao cấp), ban đầu chỉ với mục đích giúp người dùng tẩu Dunhill biết mặt
nào là mặt trên của cán tẩu. Nguyên nhân là vì tẩu Dunhill thời đó đa phần được
chế tác quá chuẩn xác – mọi thứ đồng tâm tới mức người ta có thể xoay cán tẩu
180 độ thì cán tẩu vẫn khớp trơn tru không vênh với thân ống tẩu!
Các bạn chưa biết nhiều về
chế tác tẩu có lẽ chưa cảm thấy chuyện này có gì đặc biệt phải không ạ?
Mời các bạn có tẩu thân ống tròn
thử xoay cán tẩu 180 độ xem cán tẩu và thân ống tẩu của bạn có khớp với nhau
không vênh nhiều không!
Có thể tiết lộ thêm là ngày
nay, tuyệt đại đa số tẩu cao cấp, dù là Dunhill hay tẩu nghệ nhân danh tiếng mới
được sản xuất cũng không thỏa mãn nổi tiêu chí kỹ thuật thể hiện sự hoàn hảo
này. Tôi chỉ biết vài nghệ nhân có kỹ thuật hạng top thế giới ngày nay là có được
khả năng làm tẩu mà cán tẩu và thân ống dù xoay 180 độ vẫn luôn khớp với nhau hầu
như không có độ vênh!
Năm 1917, Alfred Dunhill
phát minh ra tẩu thổi cát với bề mặt sần sùi – khởi đầu cho một loại xử lý bề mặt
tẩu cực kỳ được ưa chuộng trên thế giới – bởi sự tiện dụng và cả bởi vẻ đẹp kỳ
lạ của nó. Trước đó, từ giữa thế kỷ 19, người ta đã thổi cát cho bề mặt gỗ dùng
trong công nghiệp, nhưng chính Alfred Dunhill mới là người ứng dụng nó cho tẩu.
Lý do là vì loại gỗ thạch nam mà Dunhill hay dùng thời đó là gỗ thạch nam xuất
xứ là Algeria – loại gỗ thạch nam mềm dễ cháy mòn, hoa văn tán loạn không đẹp,
nhưng hút thường rất ngọt. Thổi cát cho tẩu gỗ thạch nam xuất xứ từ Algeria giải
quyết được các nhược điểm của nó như dễ nóng, cháy, bởi bề mặt sần sùi lồi lõm
tỏa nhiệt tốt hơn, đồng thời tạo ra vân gỗ lồi lõm như sóng đẹp, kỳ lạ bắt mắt
hơn là để trơn với hoa văn xấu.
Với người mới hút, tẩu Dunhill
thổi cát lồi lõm tới mức méo mó trông thật xấu, nhưng với những nhà sưu tập lâu
năm, nhiều kinh nghiệm đã nhìn chán chê các loại tẩu, tẩu Dunhill thổi cát sâu
tới mức méo mó mới là dạng tẩu thổi cát “có cá tính” được ưa chuộng.
***
Về sau, Dunhill cho ra rất
nhiều serie, phân hạng xử lý bề mặt như đã liệt kê ở trên, nhưng về cơ bản, tẩu
Dunhill chỉ có 3 phân hạng chính là Shell Briar, Bruyere và Root Briar.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét