Thời điểm 1955 là một cột mốc
quan trọng trong lịch sử tẩu Dunhill, bởi từ đó trở đi, tẩu Dunhill thay đổi
cách khắc dấu nhãn hiệu sản phẩm. Họ bỏ bớt đi mã số đăng ký sáng chế ghi trên
thân tẩu. Tuy nhiên, theo phỏng đoán của tôi, sự thay đổi này còn bị ảnh hưởng
bởi một nguyên nhân sâu xa hơn: họ buộc phải thay đổi nguồn nhập gỗ thạch nam.
Gỗ thạch nam Algeria lấy từ
những bướu rễ đã phát triển hàng chục đến cả trăm năm với vị thơm ngọt nổi tiếng
được ưa chuộng mà Dunhill chuyên dùng để sản xuất tẩu thổi cát (phân hạng Shell
Briar) bị giảm cung, do ở Algeria xảy ra cuộc chiến dành độc lập vào năm 1954.
Không chỉ Dunhill, các hãng tẩu nổi tiếng khác của Anh thời đó cũng bị cắt giảm
nguồn gỗ thạch nam Algeria. Và cũng như các hãng đó, Dunhill buộc phải tăng nhập
gỗ thạch nam đến từ các nước xung quanh biển Địa Trung Hải như Ý (Corsian),
Sardinia, Hy Lạp, Nam Tư.. Gỗ thạch nam của những vùng này cứng hơn, có hoa văn
đẹp hơn gỗ thạch nam Algeria, nhưng không nổi tiếng về độ ngon ngọt bằng. Cũng
sau thời điểm này, loại gỗ thạch nam Algeria phát triển cả trăm năm huyền thoại
gần như biến mất khỏi bản đồ gỗ thạch nam làm tẩu thế giới. Xin chú ý: không phải
cứ gỗ thạch nam Algeria là ngon ngọt. Hơn nữa, quá trình xử lý, chế biến, luộc,
phơi gỗ thạch nam cũng là cả một công đoạn có ảnh hưởng lớn đến độ ngon ngọt của
nó.
Từ đó trở đi, Dunhill không
còn mã số bằng sáng chế khắc trên thân tẩu, nhưng thêm nhiều phân hạng xử lý bề
mặt thổi cát khác như Tanshell, Red Bark bởi gỗ thạch nam Corsian hay Nam Tư
cho vân gỗ đẹp, đều hơn hẳn – giúp cho bề mặt tẩu sau khi được thổi cát tạo ra
vân sóng đều tầng tầng lớp lớp (ví dụ chiếc tẩu thẳng Shell Briar có vòng bạc
trong hình ở dưới). Những chiếc tẩu thổi cát có hoa văn khá đẹp sẽ được sơn màu
vàng cam để thành tẩu Tanshell, còn nếu có vân sóng rất đẹp sẽ được sơn màu đỏ
hồng ngọc để thành tẩu Red Bark. Số còn lại sẽ được sơn đen để thành tẩu Shell
Briar.
Vào thời gian từ 1955 –
1968, Dunhill vẫn còn hay áp dụng chiến lược khá xa xỉ là sử dụng riêng gỗ thạch
nam Algeria cho tẩu thổi cát Shell Briar dù số lượng hạn chế hơn; gỗ thạch nam
Sardinia, Hy Lạp cho tẩu phân hạng Bruyere; và gỗ thạch nam Corsian với hoa văn
đẹp nhất để làm tẩu phân hạng cao nhất của họ là Root Briar. Tức là, chẳng hạn
những mẩu gỗ thạch nam Corsian hoa văn rất xấu sẽ bị loại bỏ, chứ không dùng để
làm tẩu Bruyere hay tẩu thổi cát Shell Briar. Nguyên nhân có lẽ là vì gỗ thạch
nam Corsian rất cứng, nên nếu hoa văn xấu thì thổi cát sẽ cho bề mặt sần sùi
nông, trông không “cá tính” đủ để phục vụ thị hiếu thời đó – khi thị trường Mỹ
đặc biệt ưa chuộng tẩu gỗ Dunhill thổi cát sần sùi sâu đến méo mó mà họ gọi là
“craggy sand-blasted Dunhill pipes”.
***
Đến năm 1968, cơn khủng hoảng
thứ hai không chỉ về nguyên liệu xảy ra với Dunhill: thuốc lá trở thành phổ biến,
chiếm lĩnh thị trường toàn cầu do sự tiện dụng của nó. Như phở không rẻ không
tiện như mỳ tôm, tẩu gỗ thạch nam chỉ còn dành cho một số ít người có điều kiện
hơn. Để giảm chi phí do sự lãng phí vật liệu, Dunhill quyết định sử dụng vân gỗ
để quyết định phân hạng xử lý bề mặt, chứ không còn sử dụng từng loại gỗ thạch
nam khác nhau cho một phân hạng xử lý bề mặt cố định như trước đó nữa. Chẳng hạn,
một cục gỗ Corsian hoa văn xấu sẽ được sơn đỏ ruby để thành tẩu phân hạng
Bruyere hoặc thổi cát và sơn đen để thành tẩu Shell Briar, thay vì bị vứt đi.
Và ngược lại, một cục gỗ Algeria hoa văn đẹp có thể được sơn màu cam nâu nhạt để
thành tẩu phân hạng Root Briar.
Và, điều đáng kể là thời điểm
1968 được nhiều nhà sưu tập tẩu Dunhill cực đoan coi là thời điểm phân cách
Dunhill cao cấp với Dunhill tầm thường. Họ coi việc sử dụng lẫn lộn vật liệu
cũng như chế tác thiên về năng suất công nghiệp hơn của Dunhill sau 1968 làm giảm
mạnh chất lượng tẩu Dunhill và vì thế nhiều người không sưu tập tẩu Dunhill sản
xuất sau 1968 nữa. Một số nhà sưu tập kỳ cựu thậm chí còn không sưu tập tẩu
Dunhill sau 1955 – tức là sau khi bỏ khắc mã số sáng chế. Với họ, tẩu Dunhill
trước 1955 đẹp hơn và nhất là hút ngon hơn hẳn, nhất là tẩu thổi cát Shell
Briar – bởi gỗ thạch nam Algeria lâu năm.
***
Đến khoảng cuối những năm
1980 đầu 1990, cuộc cắt giảm chi phí của Dunhill còn mạnh mẽ hơn. Thay vì tự
mua gỗ thạch nam thô, chế tác từ A – Z ra chiếc tẩu Dunhill, họ hợp tác với một
hãng sản xuất tẩu bình dân ở St. Claude, Pháp – nhập tẩu gỗ thạch nam đã chế
tác thô chỉ chờ đánh bóng, sơn màu, chỉnh luồng, chuyển về xưởng của họ ở
London và hoàn thiện nốt phần cuối, khắc dấu lên bán thành tẩu Dunhill. Việc
này tuy Dunhill không công khai, nhưng hiện giờ nó đã không còn là bí mật lớn
ít người biết nữa.
Các nhà sưu tập sùng bái Dunhill
vì thế càng ruồng bỏ tẩu Dunhill mới sản xuất và chỉ tập trung sưu tập tẩu
Dunhill cổ, càng cổ càng tốt.
***
Ngày nay, các chuyên gia đã
phân tích kỹ lưỡng hơn lịch sử của Dunhill để đưa ra những nhận định công bằng
hơn về tẩu Dunhill sản xuất trước 1955, trong khoảng 1955 – 1968, 1968 – 1990
và sau 1990. Theo đó thì tuy rằng chất lượng trung bình của tẩu Dunhill càng về
sau càng giảm, nó vẫn là tẩu Dunhill với những đặc điểm như thế, vì vẫn được
làm bởi những người thợ đó, và thời nào Dunhill cũng có tẩu tốt ,tẩu chất lượng kém.
Thực lòng mà nói, những chiếc tẩu Dunhill được chế tác hoàn hảo
nhất mà tôi từng cầm trên tay là tẩu Dunhill thời trước 1955, nhất là trước thế
chiến thứ 2. Nhưng kể cả ở giai đoạn 1955 – 1968 cũng có rất nhiều những chiếc
tẩu chế tác tuyệt vời, chất lượng hút tuyệt vời, và cả những chiếc chế tác cẩu
thả, ít nhiều có lỗi kỹ thuật. Cả những giai đoạn sau 1968 hay sau 1990 cũng có
những chiếc tẩu chế tác tuyệt vời, hút rất ngon, nhưng cũng có rất nhiều chiếc
chẳng ra làm sao cả.
***
Để kết thúc về tẩu
Dunhill này: trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thay đổi, Dunhill vẫn là hình ảnh
đại diện của tẩu gỗ thạch nam quý tộc nói riêng và tẩu gỗ thạch nam phương Tây
nói chung. Rất nhiều thuật ngữ người ta đang dùng để nói về tẩu gỗ xuất phát từ
Dunhill, chẳng hạn nếu bạn thấy người ta ghi một chiếc tẩu bất kỳ nào đó có cỡ
“nhóm 4″, thì thật ra ý người ta là chiếc tẩu đó có cỡ tương đương với tẩu cỡ
nhóm 4 theo phân hạng cỡ tẩu của Dunhill (group 1 – 6, oversize ODA, khổng lồ
nhỏ Mini-Magnum, khổng lồ Magnum). Trong khi các hãng tẩu Anh cao cấp khác như
Charatan, Barling, Loewe.. lần lượt lụi tàn, Dunhill vẫn vượt qua mọi thử thách
và tiếp tục tồn tại. Ngày nay, đã có nhiều lựa chọn khác theo chủ quan của tôi
là tốt, đẹp hơn dạng tẩu Dunhill trung bình – như tẩu các nghệ nhân hàng đầu thế
giới người Bắc Âu, Đức, Nhật, Nga, Mỹ .v.v., nhưng cái thần thái quý tộc lịch
lãm, cái khí chất cô ngạo kiêu sa toát ra từ một chiếc tẩu Dunhill – dù là kiểu
Billiard hay Liverpool (xem hình ở dưới) – nhất là khi bạn cầm nó trên tay, thì
không một chiếc tẩu nào khác của bất kỳ ai khác có thể vượt qua. Truyền thống
là cái gì đó vô hình nhưng sự hiện hữu kỳ quái của nó là điều không thể chối bỏ.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét